Giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự xã hội nông thôn: Người dân là nhân tố quyết định

Quản trị viên 17/07/2018 Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn
Những vụ trộm cắp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích, ma túy... đã và đang diễn ra trên địa bàn nông thôn trong tỉnh khiến người dân không khỏi lo lắng. Đây cũng là lý do HĐND tỉnh lập Đoàn giám sát, tiến hành giám sát tại một số địa phương để nắm rõ nguyên nhân và bàn giải pháp đảm bảo tình hình an ninh nông thôn.

Những vụ trộm cắp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích, ma túy... đã và đang diễn ra trên địa bàn nông thôn trong tỉnh khiến người dân không khỏi lo lắng. Đây cũng là lý do HĐND tỉnh lập Đoàn giám sát, tiến hành giám sát tại một số địa phương để nắm rõ nguyên nhân và bàn giải pháp đảm bảo tình hình an ninh nông thôn.

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND tỉnh với Công an tỉnh vào sáng qua (9.9), Công an tỉnh báo cáo, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 1.063 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, ở địa bàn nông thôn xảy ra 653 vụ, chiếm 61,4%, làm chết 16 người và bị thương 205 người. Phạm pháp hình sự tập trung vào tội giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản; đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm tỉ lệ cao, trên 80%.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với Công an tỉnh.

Thượng tá Phan Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, phân tích: “Đáng chú ý, nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích nảy sinh bộc phát trong quan hệ, sinh hoạt hàng ngày, rồi thành lập băng nhóm đánh nhau gây mất an ninh, trị an. Băng nhóm ở đây là cấu kết nhất thời, bộc phát khi có mâu thuẫn (mâu thuẫn trong ăn uống, nhậu nhẹt, hát karaoke, thậm chí chỉ là cái “nhìn đểu”) và khi mâu thuẫn xảy ra thì điện thoại nhau, ai có gì (hung khí - PV) cầm nấy, rồi kéo đi đánh nhau, chứ không hề có sự tổ chức bài bản từ trước. Đơn cử như, chỉ vì cho rằng ánh mắt đối phương nhìn kênh kiệu và tiếng nẹt pô xe quá to mà 2 nhóm thanh niên ở TX An Nhơn xảy ra mâu thuẫn, rồi dẫn đến ẩu đả, khiến 1 người tử vong”.

Ở nông thôn, các vụ án thường xảy ra ở địa bàn tuyến biển. Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhìn nhận: “Cuộc sống nông thôn không còn bình yên như trước, nổi lên là ở vùng đồng bằng ven biển có tình trạng thanh niên chơi theo băng nhóm, đánh nhau. Ngoài giờ làm, người dân nông thôn thường tụ tập để ăn nhậu và từ những cuộc tụ tập này, phát sinh mâu thuẫn, mà đa phần là mâu thuẫn bộc phát, không chính đáng, nhưng lại dẫn đến ẩu đả, có thể dẫn đến chết người, gây thương tích”.

Để góp phần giữ vững ANTT, thời gian qua, lực lượng Công an đã tăng cường công tác nghiệp vụ, trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp; phối hợp với Công an cơ sở tiến hành rà soát, phân loại, nắm chắc hoạt động của các loại đối tượng hình sự; tăng cường lực lượng làm tốt công tác phòng ngừa, quản lý chặt chẽ số đối tượng lưu manh, côn đồ, có tiền án, tiền sự... Đồng thời, lực lượng Công an cũng triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Nhờ đó, Công an toàn tỉnh đã kịp thời ngăn chặn 92 nhóm/322 đối tượng thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng, chuẩn bị hung khí đánh nhau; phát hiện bắt giữ 82 đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản.

Dù vậy, công tác phòng ngừa tội phạm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thượng tá Phan Hồng Sơn lý giải: “Có những vụ án giết người, cố ý gây thương tích, hay cướp tài sản xảy ra chỉ mang tính bộc phát, tức thời, nên khả năng phòng ngừa rất khó”. Bên cạnh đó, công tác phối hợp đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm ở địa bàn nông thôn giữa các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể chưa thật sự hiệu quả. Hơn nữa, công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực đến nay hầu như không thực hiện được do vướng các văn bản hướng dẫn, làm ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng ngừa và đấu tranh, nhất là làm tan rã các băng, nhóm cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản ở địa bàn nông thôn.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban pháp chế, Trưởng Đoàn Giám sát HĐND tỉnh, cho rằng: Để mỗi vùng thôn quê trở nên thanh bình, bà con nông dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới, điều quan trọng là tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền và Công an cơ sở; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xây dựng. Nhưng trên hết vẫn là trách nhiệm và những việc làm cụ thể từ mỗi người dân. Nông dân là chủ thể của địa bàn nông thôn, cũng chính là nhân tố quyết định trong công tác đảm bảo an ninh nông thôn”.